Uống sắt đi ngoài màu đen liệu có gây ảnh hưởng xấu gì đến sức khỏe hay không và làm thế nào để có thể hạn chế tình trạng này? Bài viết sức khỏe dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ mang đến những thông tin cần thiết nhất về hiện tượng này!
Tầm quan trọng của sắt
Sắt là một thành phần vô cùng quan trọng đóng vai trò tổng hợp huyết sắc tố vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể và myoglobin có nhiệm vụ dự trữ oxy cho cơ thể. Ngoài ra sắt còn tham gia vào thành phần một số enzyme, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng oxy hoá và bất hoạt các gốc oxy gây hại. Đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Do vậy, cơ thể bị thiếu sắt sẽ dễ dẫn đến tình trạng suy nhược, xanh xao, mệt mỏi hay hồi hộp; thai phụ có nguy cơ bị sinh non và nếu bị thiếu máu thiếu sắt thì cơ thể sẽ có những biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, mất khả năng tập trung, rụng tóc…
Đối tượng hay bị thiếu sắt thường gặp nhất là ở phụ nữ, đặc biệt đối với phụ nữ có thai và trẻ em. Lý do là bởi vì cơ thể không hoặc hấp thu sắt kém, hay do nhiễm giun sán, đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc do nhu cầu cơ thể quá cao trong hồi phục sau khi bệnh. Ngược lại, nếu cơ thể có quá nhiều sắt sẽ gây ra tình trạng ứ đọng, tích tụ sắt ở các mô như gan, tim, tuyến nội tiết khiến các cơ quan này bị rối loạn chức năng nghiêm trọng.
Uống sắt đi ngoài màu đen có phải là dấu hiệu nguy hiểm không?
Trong cơ thể, vì sự hiện diện của sắc tố mật trong phân nên phân có màu nâu. Khi bổ sung sắt cho cơ thể, một phần sắt sẽ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như tạo máu và vận chuyển oxy trong máu. Phần sắt còn lại sẽ chuyển hóa thành các sản phẩm có màu đen, dẫn tới hiện tượng đi ngoài ra phân màu đen. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng nếu gặp tình trạng uống sắt đi ngoài màu đen bởi đây là hiện tượng không nguy hiểm tới sức khỏe.
Uống sắt đi ngoài màu đen là hiện tượng không nguy hiểm. Tuy nhiên, không thể loại trừ được một số trường hợp đi ngoài phân đen là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng bệnh lý của cơ thể.
Trường hợp tổn thương bất kỳ cơ quan nào của đường tiêu hóa gây ra hiện tượng chảy máu vào ống tiêu hóa, khi lượng máu chảy đủ nhiều và thời gian đủ lâu sẽ xuất hiện tình trạng đi ngoài phân đen. Những tổn thương thường gặp ở đường tiêu hóa là xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm rách thực quản…
Bên cạnh đi ngoài phân màu đen thì những bệnh lý này còn có thể gây ra các triệu chứng khác như: Đầy hơi, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, vàng da… Nếu bạn đi ngoài phân đen nhưng lại không sử dụng bất kỳ loại chế phẩm bổ sung sắt nào hoặc ăn thực phẩm giàu sắt thì bạn cần theo dõi cơ thể sát sao và thăm khám tại các cơ sở y tế khi nhận thấy tình trạng sức khỏe xấu đi.
Cách hạn chế tình trạng uống sắt đi ngoài màu đen
Nếu bạn uống các chế phẩm bổ sung sắt trong thời gian dài và gặp tình trạng đi ngoài phân đen, điều này chứng tỏ sản phẩm bạn uống đang bị đào thải rất nhiều và lượng sắt được cơ thể hấp thu sẽ không còn đáng kể nữa. Vì vậy, bạn vẫn có thể bị thiếu máu dù bổ sung sắt mỗi ngày.
Do đó, việc lựa chọn đúng và sử dụng viên uống bổ sung sắt hợp lý sẽ giúp cơ thể hấp thu tối đa hàm lượng sắt và đảm bảo hiệu quả, an toàn cho sức khỏe.
Uống thêm các loại nước hoa quả có vị chua
Để cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt, bạn hãy bổ sung thêm các loại nước hoa quả giàu vitamin C như ổi, chanh, cam, bưởi, quýt… đều đặn mỗi ngày. Vì vitamin C trong các loại hoa quả này đóng vai trò như một chất trung gian giúp cơ thể hấp thụ được sắt tốt nhất.
Không sử dụng cùng với các chế phẩm chứa canxi
Nếu bạn sử dụng đồng thời các loại chế phẩm có chứa canxi và sắt thì dường như bạn đang làm cản trở sự hấp thu của cả hai loại chất này và nhất định sẽ bị đào thải ra ngoài. Do đó, nếu trong trường hợp bạn cần bổ sung cả hai loại chất này thì bạn cần sử dụng chúng cách nhau ít nhất 2 tiếng.
Thời gian bổ sung sắt thích hợp
Mỗi loại sản phẩm bổ sung sắt sẽ có thời gian sử dụng khác nhau. Có một số dạng sắt dễ hấp thu nhất khi uống vào lúc đói, tuy nhiên một số loại viên uống sắt khác lại dễ hấp thu hơn khi no. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc nhờ tham vấn ý kiến của bác sĩ, dược sĩ nhằm có chế độ bổ sung sắt thích hợp nhất.
Thay đổi loại sản phẩm bổ sung sắt khác
Uống sắt đi ngoài màu đen hay hiện tượng táo bón, nóng trong rất thường xuyên gặp ở những người bổ sung sắt. Nguyên nhân chính là do thành phần sắt ion hóa hay sắt vô cơ gây ra nhưng vì không có lựa chọn thay thế nên người sử dụng vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, hiện nay đã có chế phẩm sắt mới có khả năng khắc phục tình trạng này đó là dạng sắt hữu cơ. Những chế phẩm sắt thế hệ mới này có khả năng hấp thu tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn và cho kết quả điều trị tốt hơn.
Phòng ngừa tình trạng thiếu sắt
Để phòng ngừa tình trạng thiếu sắt của cơ thể, việc chọn lựa các loại thực phẩm giàu sắt bổ sung vào thực đơn bữa ăn hàng ngày là rất cần thiết. Các loại thực phẩm giàu sắt bao gồm: Cá, các loại thịt đỏ, gan gia súc gia cầm, tiết bò, lòng đỏ trứng gà, nấm tai mèo, rau muống, nấm hương, đậu tương, nghệ.
Bên cạnh đó, các bạn cũng cần bổ sung các hợp chất thúc đẩy quá trình hấp thu sắt của cơ thể như vitamin C. Do đó, bạn nên ăn nhiều hoa quả và các loại rau xanh để tăng sự đồng hoá sắt có trong các loại thức ăn khác nhau.
Tuy nhiên, nếu cơ thể thừa sắt cũng đặc biệt nguy hiểm, có thể gây ra các rối loạn về não bộ và các bệnh lý về tim mạch. Do vậy, việc sử dụng viên uống sắt cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, không nên tùy tiện sử dụng.